Hiểu biết của bạn về các bệnh không lây nhiễm

11:14' SA - Thứ hai, 07/09/2020

Câu hỏi 1: Thế nào là bệnh không lây nhiễm, đặc điểm của nó, các nhóm bệnh không lây nhiễm phổ biến?

Trả lời:

Bệnh không lây nhiễm: là các bệnh không lây được từ người này sang người khác, nếu đã mắc thì phải điều trị suốt đời, nhưng bệnh có thể phòng một cách hiệu quả bằng cách thay đổi một số hành vi lối sống ngay từ khi còn nhỏ.

Một số đặc điểm của các bệnh không lây nhiễm:

  • Có nguyên nhân phức tạp và do nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp;
  • Bệnh khởi đầu âm thầm, phát triển, tiến triển kéo dài;
  • Không lây truyền từ người này sang người khác;
  • Gây rối loạn chức năng cơ thể hoặc gây tàn phế;
  • Không chữa khỏi hoàn toàn được và khi mắc bệnh phải điều trị suốt đời.

Các nhóm bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam:

  • Các bệnh tim mạch: Tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ;
  • Các bệnh ung thư;
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và hen phế quản;
  • Bệnh Đái tháo đường;
  • Các bệnh lý sức khỏe tâm thần: Rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần do sử dụng chất nghiện, tâm thần phân liệt.

Câu hỏi 2: Cho em hỏi các hành vi nguy cơ dẫn đến mắc các bệnh không lây nhiễm?

Trả lời: Có 5 nhóm hành vi nguy cơ dẫn đến mắc các bệnh không lây nhiễm trong thanh thiếu nhi:

  1. Hút thuốc lá:

Đó là các hành vi: Thử hút thuốc lá; hút thuốc lá khi được mời, rủ rê; Hút thuốc thỉnh thoảng hay thường xuyên; Ở nơi có khói thuốc lá (hay người ta gọi là hút thuốc là thụ động).

  1. Uống rượu bia:

Đó là các hành vi: Thử uống rượu bia; uống rượu, bia khi được mời, rủ rê; uống rượu, bia dù là thỉnh thoảng hay thường xuyên

  1. Dinh dưỡng không hợp lý:

Đó là các hành vi: Ăn uống mất cân đối các thành phần: nhiều chất đường, nhiều chất béo, nhiều chất đạm, ít rau quả; ăn mặn; ăn uống không điều độ, không đủ ít nhất 3 bữa/ngày (bỏ bữa), ăn các bữa không đúng giờ, lượng thức ăn không cân đối theo bữa (ăn quá nhiều hoặc ít trong một bữa ăn); ăn nhiều đồ nhanh, chiên rán, uống nhiều nước ngọt có ga.

  1. Ít vận động thể lực:

Không tập thể dục hoặc chơi thể thao mỗi ngày; ngồi nhiều khi sử dụng máy tính, xem ti vi…

  1. Các hành vi gây ô nhiễm không khí:

Các hành động tạo ra khí thải, làm nhiễm bẩn không khí (hút thuốc lá, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, giao thông…); thờ ơ, không phản đối với các hành động gây ô nhiễm không khí.

Câu hỏi 3: Cho em hỏi những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe?

Trả lời: Thuốc lá chứa hơn 7 ngàn chất hóa học độc hại cho sức khỏe, thuốc là chứa chất nicotin, gây nghiện cho người sử dụng. Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe của mọi người bất kể ở độ tuổi nào, gây nhiều bệnh tật và tổn thất về kinh tế - xã hội do bệnh tật liên quan đến hút thuốc lá. Hút thuốc là không chỉ có hại cho người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cả những người hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động).

Những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người hút:

  • Bệnh lý ung thư: Hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các trường hợp ung thư phổi và có thể dẫn đến những loại ung thư khác như ung thư khoang miệng, môi, vòm họng, thực quản, bàng quang, thận, dạ dày, gan, vú, cổ tử cung…
  • Bệnh đường hô hấp: Làm bùng phát các đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản. Hút thuốc lá làm nặng thêm tình trạng của các bệnh đường hô hấp như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản…
  • Bệnh tim mạch: Gây tổn thương thành mạch máu, làm hẹp mạch máu, dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tử vong.
  • Tác hại đến sức khỏe sinh sản: Với nữ giới: làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, làm giảm khả năng thụ thai, gây sảy thai, bị nhau bong non, sinh non, thai chết lưu, thai ngoài tử cung. Với nam giới: làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, có nguy cơ bị liệt dương.
  • Ảnh hưởng đến răng miệng và mắt: Hút thuốc là làm răng ố vàng, cao răng, hơi thở hôi, răng lung lay và rụng, tổn thương xương hàm… Hút thuốc lá làm đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm, khô mắt, viêm kết mạc… dẫn đến suy giảm thị lực.

Những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người xung quanh:

  • Hút thuốc thụ động có tác hại mạnh hơn hút thuôc chủ động, đặc biệt có hại cho trẻ em, phụ nữ mang thai và người bệnh đường hô hấp. Trẻ em hít phải khói thuốc lá sẽ bị viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
  • Người không hút thuốc chủ động tránh bị tiếp xúc với khói thuốc lá và có quyền yêu cầu người hút tôn trọng, không hút thuốc trong phòng khi có người khác.

Câu 4: Cho em hỏi tác hại của rượu, bia?

Trả lời: Rượu, bia là đồ uống có cồn, một chất kích thích, có khả năng gây nghiện và có hại cho sức khỏe con người.

Uống rượu, bia có tác hại đến sức khỏe của con người, nó có tác hại ngắn hạn và có tác hại dài hạn.

Các tác hại ngắn hạn do uống rượu, bia: Ngay khi uống rượu bia sẽ gây ra các dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khỏe sau đây

  • Nói lắp
  • Buồn ngủ
  • Nôn
  • Tiêu chảy
  • Nhức đầu
  • Đau dạ dày
  • Nhìn mờ, nhìn đôi
  • Ù tai
  • Khó thở
  • Mất trí nhớ tạm thời
  • Hôn mê
  • Thiếu máu (mất hồng cầu)
  • Giảm nhận thức, hành động thiếu suy nghĩ gây hậu quả nặng nề (tự tử, bạo lực, tai nạn giao thông, quan hệ tình dục không an toàn, ấu dâm…)

Các tác hại dài hạn do uống rượu, bia:

  • Bệnh tim mạch và đại tháo đường
  • Bệnh ung thư, thường gặp là ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại tràng - trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
  • Rối loạn tâm thần do phụ thuộc bia rượu và cai nghiện bia rượu với các biểu hiện như: run tay, mất ngủ, nôn/buồn nôn, lo âu quá mức, kích động, ảo thị, ảo giác, ảo thanh, hoang tưởng, có cơn co giật kiểu động kinh.
  • Bệnh đường tiêu hóa, thường gặp là viêm dạ dày, tiêu chảy, viêm tụy, xơ gan…
  • Ảnh hưởng đến khả năng tình dục và sinh sản. Với nữ giới: rối loạn chu kỳ kinh nguyệt dẫn tới vô sinh, sảy thai, dị dạng hoặc tổn thương bào thai. Với nam giới: suy giảm khả năng tình dục, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
  • Suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, lao, tiến triển thành AIDS của người có HIV.

Câu hỏi 5: Tôi xin hỏi các quy định về việc cấm mua bán và sử dụng rượu, bia?

Trả lời:

Các quy định về việc cấm mua bán và sử dụng rượu bia:

Những nơi không được uống rượu, bia:

  • Cơ sở y tế
  • Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dậy, học tập và làm việc
  • Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi
  • Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

Những hành vi không được thực hiện:

  • Thanh thiếu niên dưới 18 tuổi không được uống rượu bia
  • Thanh thiếu niên dưới 18 tuổi không được mua bán, tham gia kinh doanh rượu bia
  • Cấm điều khiển phương tiện giao thông (xe máy, oto, xe có động cơ) khi vừa uống rượu, bia.
  • Cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi
  • Cấm bán rượu, bia tại cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi
  • Không được sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
  • Không mở mới điểm bán rượu, bia (quán rượu, quán bia, quán ăn và nhà hàng có bán rượu, bia) ở gần trường học, bệnh viện.

Câu hỏi 6: Cho tôi hỏi liên quan của chế độ dinh dưỡng với các bệnh không lây nhiễm?

Trả lời: Người ăn uống theo chế độ dinh dưỡng không hợp lý có thể bị thừa cân, béo phì và gây ra các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư.

Các thực hành dinh dưỡng không hợp lý gây bệnh không lây nhiễm:

  • Ăn nhiều chất tinh bột, đường: là yếu tố nguy cơ làm tăng đường máu, dẫn tới bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp
  • Ăn nhiều chất béo: là yếu tố nguy cơ làm tăng nồng độ mỡ trong cơ thể, dẫn tới bệnh xơ vữa động mạch gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, có thể tử vong hoặc để lại di chứng.
  • Ăn mặn: làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Ăn mặn dẫn đến suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan dẫn tới suy tim, suy thận.
  • Ăn ít rau quả: là nguyên nhân gây ra các bệnh mạnh tính không lây nhiễm.

Cách thực hành dinh dưỡng hợp lý giúp phòng bệnh không lây nhiễm:

  • Ăn đủ 4 nhóm thực phẩm chính (đạm, đường, chất béo, vitamin – khoáng chất và xơ) và ăn đa dạng thực phẩm mỗi ngày.
  • Ăn ít nhất 400 gam rau mỗi ngày
  • Chỉ ăn dưới 5 gam muối mỗi ngày bằng cách cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ăn đồ mặn.
  • Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, đồ ăn nhanh, thức ăn chiên rán, mỡ và phủ tạng động vật
  • Hạn chế đường: bánh kẹo ngọt, đồ uống có đường, nước ép hoa quả đóng chai thêm đường
  • Uống đủ nước: mỗi ngày uống 6 đến 8 cốc (40ml/kg cân nặng) với người có chế độ hoạt động trung bình
  • Lụa chọn cách chế biến hấp, luộc, ninh, trộn thay cho chiên, rán, kho, xào.

Câu hỏi 7: Cho tôi hỏi liên quan của hoạt động thể lực với các bệnh không lây nhiễm?

Trả lời: Hoạt động thể lực là bất cứ sự vận động nào của hệ cơ xương khớp và có tiêu hao năng lượng.

Hoạt động thể lực mức độ vừa phải 150 phút/tuần ước tính có thể giảm 30% nguy cơ bệnh tim thiếu máu cục bộ, giảm 27% nguy cơ đái tháo đường và giảm 21-25% nguy cơ ung thư vú và ung thư đại tràng.

Có 3 mức hoạt động thể lực:

  • Hoạt động nặng: hoạt động thể lực gắng sức làm tăng nhịp thở rất nhiều so với bình thường
  • Hoạt động vừa: hoạt động thể lực trung bình làm hơi tăng nhịp thở so với bình thường. Hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần.
  • Hoạt động nhẹ: Vận động không làm tăng nhịp thở.

Hậu quả của việc lười vận động: Nếu thời gian một người ở trạng thái nghỉ như ngồi, nằm, làm việc nhẹ chiếm ưu thế và thời gian dành cho hoạt động thể lực quá ít coi là lười vận động.

Những tác hại của lười vận động:

  • Nếu bị stress dễ dẫn tới thừa cân, béo phì
  • Nếu mất ngủ dễ dẫn đến tăng cholesterol máu
  • Dễ chán nản dễ dẫn tới rối loạn chuyển hóa.

Các hiện tượng trên dễ dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch tăng từ 20-30% nguy cơ tủ vong do mọi nguyên nhân.

Khuyến cáo về hoạt động thể lực dành cho thanh thiếu niên:

  • Đối với học sinh phổ thông: Hoạt động mức độ vừa ít nhất 60 phút mỗi ngày với các hoạt động đều đặn có tính nhịp điệu và đều đặn hàng ngày; hoạt động mức độ nhẹ vài giờ; hoạt động mức độ nặng ít nhất 3 lần/tuần; thay thế thời gian tính bằng các hoạt động từ vừa đến nặng.
  • Đối với thanh niên: Thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào cũng tootsvaf cần đều đặn tất cả các ngày trong tuần; mỗi tuần tập luyện mức độ vừa 150 – 300 phút hoặc mức độ nặng từ 75 – 150 phút hoặc kết hợp ca 2 loại; thực hiện các hoạt động tăng cơ ít nhất 2 ngày một tuần.

Câu hỏi 8: Môi trường có ảnh hưởng đến các bệnh không lây nhiễm, tôi xin hỏi tác hại của ô nhiễm không khí tới các bệnh không lây nhiễm?

Trả lời: Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí, chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí lạ được đưa vào không khí, có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và cũng có thể gây hại cho sinh vật khác như động vật và cây lương thực, và có thể làm hỏng môi trường.

Có 2 dạng ô nhiễm không khí đó là trong nhà và ngoài trời:

  • Ô nhiễm không khí trong nhà (hộ gia đình): do sử dụng phương tiện thô sơ cho bếp, sưởi và chiếu sáng
  • Ô nhiễm không khí ngoài trời (xung quanh): phát thải từ sản xuất công nghiệp (nhiệt độ, lò đốt, lò nung gạch…), sản xuất nông nghiệp, giao thông, cháy rừng, các cơn bão bụi và bão cát, núi lửa…

Những hậu quả về sức khỏe do ô nhiễm không khí: các thành phần độc hại trong không khí bị ô nhiễm như các loại khí độc, các hạt bụi mịn đi vào đường thở, thấm qua da, niêm mạc đi vào máu và các mô, gây bệnh cho con người.

Các bệnh không lây nhiễm:

  • Bệnh tim mạch: Ước tính 13% các bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí từ môi trường xung quanh; 17% là do ô nhiễm không khí từ hộ gia đình; 3% là do khói thuốc lá và 2% là do chì trong không khí…
  • Bệnh ung thư: Nhiều chất trong không khí bị ô nhiễm được xác định là chất gây ung thư cho người và chúng gây ung thư ở nhiều vị trí trong cơ thể. Khoảng 25% ca tử vong do ung thư là do phổi là do ô nhiễm không khí xung quanh và 17% là do ô nhiễm không khí từ các hộ gia đình.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khoảng 30% số ca bị bệnh phổi tăc nghẽn mạn tính là do ô nhiễm không khí tại gia đình, 9% do ô nhiếm không khí từ môi trường xung quanh và 12% là ô nhiễm không khí từ nơi làm việc. Khói thuốc lá vừa là nguyên nhân gây bệnh vừa là yếu tố làm bệnh thêm trầm trọng.
  • Bệnh hen suyễn: các dị nguyên là nguyên nhân gây bệnh hen, trong đó nhiều dị nguyên có trong môi trường không khí bị ô nhiễm.
  • Rối loạn tâm thần và tâm lý như đau đầu, kém tập trung, suy giảm trí nhớ, ảo giác, rối loạn nhân cách, trầm cảm.
  • Ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, khiến sinh non, sơ sinh nhẹ cân.
  • Kích ứng mắt và các bệnh ngoài da.

Câu hỏi 9: Tôi muốn bỏ thuốc lá, xin tư vấn cho tôi cách bỏ thuốc lá thành công?

Trả lời:

Cai thuốc lá không phải nhờ vào “phép lạ” mà vào “nỗ lực” của bản thân; Người nghiện cần thực hiện khi cai nghiện để thành công:

- Đặt ra mục tiêu, kế hoạch và quyết tâm cai nghiện của chính mình.

  • Tìm đến chuyên gia tư vấn để được tư vấn, lập kế hoạch và hướng dẫn cai nghiện.
  • Thông báo cho bạn bè và người thân về vệc cai thuốc lá để được khuyến khích, động viên, giúp đỡ khi bị khó chịu trong thời gian cai thuốc lá.
  • Chủ động tránh môi trường có người hút thuốc lá, hạn chế giao tiếp với người hút thuốc lá trong thời gian cai nghiện thuốc lá.
  • Thay đổi thói quen gắn với việc hút thuốc trong sinh hoạt hàng ngày (uống trà, cà phê, …)
  • Có nhiều loại sản phẩm hỗ trợ cai nghiện thuốc lá nhưng hãy lựa chọn và sử dụng theo hướng dẫn của chuyên gia tư vấn.

Câu hỏi 10: Tôi xin hỏi sức khỏe tâm thần là gì và những rối loạn tâm thần thường gặp trong thanh thiếu nhi?

Trả lời:

Sức khỏe tâm thần là một trạng thái thoải mái, trong đó mỗi cá nhân nhận thức tiềm năng riêng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng của cuộc sống, có thể làm việc tốt và có hiệu quả và có thể đóng góp cho mình hoặc cộng đồng.

Rối loạn tâm thần bao gồm một loạt các vấn đề về tâm thần với các triệu chứng khác nhau, thường là kết hợp những bất thường về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và mối quan hệ với những người khác. Rối loạn tâm thần phổ biến ở người trẻ là lạm dụng chất, lo âu, trầm cảm. Hầu hết các rối loạn này có thể được điều trị khỏi.

Những rối loạn tâm thần thường gặp ở thanh thiếu niên:

  • Rối loạn cảm xúc: thường xuất hiện ở tuổi thiếu niên, là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trong đó thường gặp nhất là trầm cảm.
  • Rối loạn hành vi: thanh thiếu niên có những hành vi như tăng hoạt động và không tập trung, phá phách, chống đối, bạo lực.
  • Rối loạn ăn uống: vị thành niên và thanh niên nữ bị nhiều hơn rối loạn này. Là các hành vi ăn uống có hại như hạn chế ăn hoặc ăn quá mức, với các biểu hiện bận tâm quá mức tới thức ăn, tới hình dạng cơ thể hoặc cân nặng, hoặc mặc cảm hoặc tự ghê tởm khi ăn vô độ; thường kèm với trầm cảm, lo âu, lạm dụng chất gây nghiện.
  • Tự sát và tự gây hại
  • Sử dụng chất và hành vi nguy cơ: sử dụng rượu hoặc chất ma túy, bạo lực, tình dục không an toàn
  • Loạn thần: thường xuất hiện ở cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành, bệnh thường gặp là tâm thần phân liệt với các biểu hiện ảo giác, hoang tưởng.

Phát hiện sớm và hỗ trợ thanh thiếu niên bị trầm cảm: Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến ở tuổi vị thành niên, trẻ gái bị nhiều gấp 3 lần trẻ trai, thường sau dậy thì.

BBT

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,