Trung tâm Thanh thiếu niên Trung Ương
Hội nghị Dân số Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 6 ( APPC 6)

Hội nghị Dân số Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 6 ( APPC 6)

Ngọc Tú- NTH
01:40' CH - Thứ năm, 19/09/2013
      Hội nghị có nhiệm vụ quan trọng nhằm nhìn nhận lại những thành quả mà các quốc gia đã đạt được và những khó khăn thách thức trong việc triển khai Kế hoạch hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển (ICPD, 1994) trong 20 năm qua và từ đó đưa ra những định hướng của khu vực và toàn cầu trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo điều kiện để mỗi người dân dù ở quốc gia, vùng, miền, dân tộc, tôn giáo nào cũng có thể được đáp ứng quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục  để có sức khỏe tốt để lao động và cống hiến cho gia đình, cho xã hội.
     Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Theo báo cáo phát triển con người của Liên hợp quốc năm 2013, chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng từ mức 0,53 năm 2000 lên 0,62 vào năm 2012. Thu nhập bình quân đầu người (GNP) đạt 2970 USD. Tỷ lệ người lớn biết chữ đạt 93,2%. Tuổi thọ trung bình đạt 74,3.  Trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn 20% với khoảng hơn 30 triệu người thoát nghèo.
    Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe nói chung cũng như CSSKSS và KHHGĐ nói riêng đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng. Đầu tư quốc gia về SKSS và KHHGĐ đã đem lại hiệu quả tích cực. Tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam đã được khống chế. Trong hơn 50 năm qua, Tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm nhanh chóng từ 6.39 con (1960) xuống đạt mức sinh thay thế (2,1 con) vào năm 2006. Theo Báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của WHO, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia trên tổng số 75 Quốc gia được đánh giá đã đạt MDGs 5 về giảm 3/4 tử vong mẹ và là 1 trong 3 quốc gia đạt tiến độ thực hiện MDGs 4 về giảm tử vong trẻ em. Tử vong mẹ ở Việt Nam đã giảm khá nhanh từ 240/100.000 ca sơ sinh sống năm 1990 xuống còn 59/100.000 vào năm 2010. Tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 54%o năm 1990 xuống còn 23%o vào năm 2010.
     Các nội dung khác của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện cũng đã được triển khai rộng khắp và đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của các nhóm dân cư khác nhau. Thí dụ, công tác chăm sóc SKSS vị thành niên và thanh niên ngày càng được mở rộng và tập trung nhiều hơn vào chất lượng và sử dụng các dịch vụ thân thiện.
     Mặc dù đã đạt những thành tự trên, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức chính như: Có sự khác biệt lớn về tình trạng sức khỏe, bệnh tật và tử vong liên quan đến SKSS giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc;Tử vong trẻ em tuy đã giảm mạnh nhưng tử vong sơ sinh còn cao, chiếm 70% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và 50% tử vong trẻ em dưới 5 tuổi;Vị thành niên và thanh niên là thế hệ tương lai của mỗi quốc gia nhưng mạng lưới dịch vụ sức khỏe thân thiện đáp ứng nhu cầu của nhóm tuổi trẻ còn hạn chế cả về độ bao phủ lẫn chất lượng dịch vụ; Các nội dung khác của CSSKSS như dự phòng và điều trị vô sinh, ung thư đường sinh sản, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản bao gồm cả HIV chưa được triển khai rộng khắp do hạn chế về nguồn lực; Quy mô dân số vẫn tiếp tục tăng. Mức sinh còn rất khác biệt giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; Xu hướng già hóa dân số và đô thị hóa nhanh kéo theo tình trạng di dân đòi hỏi phải có những đáp ứng thích hợp của toàn bộ xã hội; Mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng trở thành vấn đề xã hội đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, thích hợp.  
        Bên cạnh các chính sách phát triển KT - XH, duy trì tăng trưởng bền vững và cải thiện chính sách an sinh xã hội, trong thời gian tới chính phủ Việt Nam sẽ sẽ ưu tiên tập trung các biện pháp chiến lược sau đây:
   - Tiếp tục tăng cường khả năng tiếp cận phổ cập của mọi người dân tới CSSKSS và tình dục toàn diện bao gồm cả làm mẹ an toàn và KHHGĐ, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng dân tôc thiểu số, và cho người di cư.
    - Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ Sức khỏe thân thiện với vị thành niên và thanh niên. Tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, giáo dục kỹ năng sống vào trong nội dung giảng dạy của hệ thống trường học.
   - Điều chỉnh chính sách DS và KHHGĐ phù hợp với từng vùng, miền, địa phương và chủ động kiểm soát quá trình di dân và đô thị hoá.
   - Tận dụng lợi thế của giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”; chuẩn bị thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số” và chuẩn bị cho giai đoạn “dân số già”.
   - Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
   - Tăng cường các can thiệp nhằm làm giảm thiểu bạo lực giới
   - Tăng cường các can thiệp chăm sóc người cao tuổi….
Bên lề Hội nghị cũng diễn ra nhiều hoạt động như: Diễn đàn thanh niên với chính, pháp luật ảnh hưởng đến việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS trong thanh niên khu vực Châu Á - Thái  Bình Dương; hoạt động sự kiện về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, có sự tham gia của ca sỹ Mai Khôi, đến từ Việt Nam.......vv

Chùm ảnh hoạt động

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, phát biểu tại Hội nghị






Ngọc Tú- NTH
Liên kết Website