Trung tâm Thanh thiếu niên Trung Ương
Kỷ niệm Ngày quốc tế Thanh niên tại Việt Nam: Thanh niên Việt Nam đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững

Kỷ niệm Ngày quốc tế Thanh niên tại Việt Nam: Thanh niên Việt Nam đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững

Ngọc Tú
12:36' CH - Thứ hai, 15/08/2016


Với tinh thần thanh niên làm chủ, lần đầu tiên tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Thanh niên (12/8) đã được Bộ Nội vụ, Liên hợp quốc (UN) tổ chức. Với chủ đề “Thanh niên Việt Nam: Đối tác góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên thay đổi hoàn toàn kịch bản thường thấy là lãnh đạo phát biểu, chỉ đạo. Thay vào đó, 5 đại biểu thanh niên chủ động kể những câu chuyện của mình và mở rộng vấn đề chất vấn lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Việt Nam hiện đang trải qua thời kỳ cơ cấu dân số vàng, ghi nhận nhóm dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử đất nước với khoảng 25 triệu người trẻ trong độ tuổi từ 16-30, chiếm hơn 25% tổng dân số Việt Nam. Thanh niên là những tác nhân mạnh mẽ nhất sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực và đóng vai trò then chốt trong quá trình hướng tới Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030. Ba năm trước, vào thời điểm 1.000 ngày trước thời điểm cần phải đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Liên hợp quốc đã tổ chức một tham vấn trên toàn cầu để lấy ý kiến của mọi người về thế giới mà họ mong muốn. Đã có 1 triệu người tham gia trên toàn cầu, riêng tại Việt Nam có khoảng 4.500 người tham gia (trong đó có hơn 80% là thanh, thiếu niên) cùng nhau chia sẻ những thách thức mà họ đang phải đối mặt, bày tỏ mong ước và nguyện vọng cho tương lai của mình.


17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) gồm 169 chỉ tiêu được thông qua vào năm 2015. Có 65 trong số 169 chỉ tiêu đề cập đến giới trẻ một cách trực tiếp hay gián tiếp, tập trung vào trao quyền, sự tham gia hoặc phúc lợi. Có 20 chỉ tiêu cụ thể cho giới trẻ được đề cập trong 6 mục tiêu của Bộ Mục tiêu phát triển bền vững: Mục tiêu 2 (Xóa đói), Mục tiêu 4 (Giáo dục chất lượng), Mục tiêu 5 (Bình đẳng giới), Mục tiêu 8 (Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững), Mục tiêu 10 (Giảm bất bình đẳng) và Mục tiêu 13 (Hành động bảo vệ khí hậu).
Sự tham gia của giới trẻ cũng là chìa khóa thành công để kêu gọi sự tham gia chung sức, trách nhiệm và tiếp sức cho các nỗ lực toàn cầu được lồng ghép trong Mục tiêu 16 (Xã hội hòa bình) và Mục tiêu 17 (Quan hệ đối tác toàn cầu).

Tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo trẻ chia sẻ kinh nghiệm học tập, phấn đấu, rèn luyện để thành đạt; kiến thức, kỹ năng làm việc trên nhiều lĩnh vực để đạt hiệu quả cao; tham góp ý kiến về xây dựng chính sách phát triển thanh niên, cơ chế để thanh niên đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững. Đặc biệt, tại chương trình, những tấm gương thanh niên khuyết tật, yếu thế có nghị lực phi thường đã vươn lên hoàn cảnh, số phận, đạt thành công trong cuộc sống đã chia sẻ về bản thân và những việc làm vì cộng đồng, đồng thời bày tỏ những mong muốn thiết thực để có cơ hội được được cống hiến nhiều hơn.

Sự kiện tập trung vào cuộc đối thoại giữa các bạn trẻ tuổi, đại diện cho 25 triệu tiếng nói của thanh niên Việt Nam với các nhà lãnh đạo cấp cao của các Bộ, ban, ngành của Chính phủ và Đoàn thanh niên. Đại diện cho thanh niên Việt Nam, 5 thanh niên được lựa chọn là Vũ Thị Quyên, Giàng Seo Châu, Nguyễn Kim Anh, Hà Trung Anh và Trần Thị Hoài Thu đã nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình với các vị lãnh đạo nhà nước. Với nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng câu chuyện của những thanh niên này đều có chung một điểm là sự cố gắng vượt qua những khó khăn, rào cản của xã hội để đạt được thành công hiện tại.
Câu chuyện của Vũ Thị Quyên – một cô gái trẻ mắc bệnh xương thuỷ tinh đưa mọi người hình dung ra một cuộc sống khó khăn mà những người khuyết tật mắc phải. Theo câu chuyện của Quyên, con đường hoà nhập với cộng đồng của người khuyết tật gặp nhiều khó khăn nhất khi họ đi xin việc.


Cô gái xương thủy tinh Vũ Thị Quyên.
Còn anh Giàng Seo Châu – người dân tộc Mông (Xi Ma Cai, Lào Cai) lại kể về sự khó khăn trong bố trí công việc của những thanh niên dân tộc sau khi tốt nghiệp đại học. Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ không biết chữ nên 10 tuổi Châu mới được đi học. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Châu thi đỗ 2 trường Đại học nhưng bố của Châu không cho đi. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của bản thân, Châu vẫn đi học và tốt nghiệp đại học vào năm 2012. Sau thời gian đó, Châu về công tác tại quê nhà, cùng thời gian đó Châu tiếp tục đi học cao học và trở thành người Mông đầu tiên ở Xi Ma Cai có trình độ Thạc sĩ.

Trí thức trẻ, Chủ tịch xã Giàng Seo Châu.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam khẳng định, thanh, thiếu niên đóng vai trò then chốt trong việc đạt được các mục tiêu bền vững. Mối quan hệ đối tác vững mạnh giữa thanh, thiếu niên và các tổ chức trong nước và quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng giúp giải quyết những thách thức mà thanh, thiếu niên đang gặp phải, nhận ra những đóng góp giá trị của thanh, thiếu niên và đảm bảo rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và đưa vào quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa mong muốn tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ xây dựng chiến lược, cùng hoạch định chính sách cụ thể giúp thanh niên Việt Nam phát triển.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đã thông tin một số vần đề về cơ chế, chính sách, chủ trương, văn bản pháp lý của Đảng, Nhà nước về công tác thanh niên và trả lời nhiều câu hỏi của các bạn trẻ xoay quanh 6 mục tiêu phát triển bền vững, đó là: xóa đói, giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững, giảm bất bình đẳng, hành động bảo vệ khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Tại Lễ kỷ niệm Bà Pratibha Mehta Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ có thể đạt được những mục tiêu này nếu thanh, thiếu niên được tham gia một cách tích cực và có ý nghĩa vào quá trình phát triển như những động lực tạo ra sự thay đổi, như những nhà lãnh đạo trong tương lai. Tại Việt Nam, đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững cần phải là việc của tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ.” Tuy nhiên, bà Pratibha Mehta cho rằng, các ý tưởng và quan điểm của giới trẻ thường chưa được nhìn nhận. “Điều này không chỉ không có lợi cho giới trẻ mà còn làm lãng phí các ý tưởng, tiềm năng của giới trẻ - ảnh hưởng tới quá trình xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.

Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm
Bên cạnh sự kiện còn tổ chức hội chợ thanh niên do các nhóm thanh, thiếu niên trưng bày các sản phẩm mà họ tự làm ra, như ảnh và video phản ánh quan điểm của họ về các Mục tiêu phát triển bền vững, những thách thức mà họ gặp phải cùng các giải pháp. Ngoài ra, các nhóm thanh, thiếu niên dễ bị tổn thương và doanh nhân trẻ đã mang tới hội chợ các sản phẩm như đồ thủ công mỹ nghệ, công nghệ và giải pháp sáng tạo để trưng bày tại sự kiện.

Chương trình thu hút rất nhiều thanh thiếu niên tham gia
Ngày Quốc tế thanh niên 2016 cũng truyền đi thông điệp kêu gọi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan bảo đảm rằng thanh thiếu niên được lắng nghe, được tham gia và được trao quyền để có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Một số hình ảnh tại sự kiện:

Ngọc Tú

Liên kết Website
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,