Mô hình điểm hỗ trợ thanh niên yếu thế phát triển kinh tế

Đông Hà
10:47' SA - Thứ năm, 06/12/2018

Web.ĐTN: 6 mô hình điểm phát triển kinh tế đã được triển khai cho thanh niên yếu thế với tổng trị giá đầu tư ban đầu 450 triệu đồng.

Quang cảnh Hội nghị

Ngày 05/12, tại Hà Nội, Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương thuộc Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ thanh niên yếu thế phát triển kinh tế năm 2018.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Sỹ Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương và gần 40 cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên yếu thế đến từ các tỉnh: Lạng Sơn, Sơn La và Thanh Hóa.

Tại hội nghị đã nghe báo cáo kết quả triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ thanh niên yếu thế phát triển kinh tế năm 2018.

Theo đó, 6 mô hình điểm phát triển kinh tế đã được triển khai cho thanh niên yếu thế - đó là những thanh niên đã có thời gian lầm lỡ nay hướng thiện trở về trong vòng tay cộng đồn, hòa nhập và được sự hướng dẫn, giúp đỡ của tổ chức Đoàn, Hội địa phương đã tích cực tham gia các phong trào xây dựng quê hương.

Với tổng kinh phí 450 triệu đồng từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn, 6 dự án đã được hình thành, sử dụng đúng mục đích và bước đầu đi vào hoạt động có chiều hướng phát triển hiệu quả, tạo thu nhập và giải quyết được cho nhiều lao động địa phương.

Hầu hết, các mô hình tập trung ở lĩnh vực trồng trọt cây ăn quả, chăn nuôi và mô hình Cơ sở dịch vụ tổng hợp, tiêu biểu như: mô hình của anh Lý Văn Diện ở thôn thôn Bảo Đài II, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã trồng xen canh bưởi diễn và bưởi da xanh trên đất vườn; anh Hà Văn Chanh ở Bản In , xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La trồng xen canh cây xoài và nhãn trên đất dốc.

Hay 02 mô hình ở tỉnh Thanh Hóa, đó là mô hình cơ sở sản xuất dịch vụ đồ Nhôm của của chị Nguyễn Thị Hạnh tại thôn 9 Cảnh, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương và Cửa hàng làm biển hiệu quảng cáo và sửa chữa điện thoại di động của anh Lê Sỹ Tần ở thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn.

Đại diện các tỉnh có mô hình được hỗ trợ trao đổi với Hội nghị


Chia sẻ tại hội nghị sau 4 tháng triển khai mô hình, anh Hà Văn Chanh ở Bản In, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, được đầu tư 80 triệu đồng cộng thêm nguồn kinh phí từ gia gia đình tôi đã có 100 triệu đồng để đầu tư vào mô hình trồng trọt trên diện tích đất của gia đình với 1.000m2. Hiện các cây trồng phát triển tốt hứa hẹn tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế.

“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục trồng xen thêm một số giống cây ngắn ngày và đầu tư thêm chăn nuôi để phát triển mô hình”, anh Chanh nói.

Mãn hạn hình phạt tù trở về địa phương, những thời gian đầu không khỏi mặc cảm với dư luận, vượt lên tất cả và được sự đồng hành của tổ chức Đoàn, chị Hạnh cho biết, hiện Cơ sở sản xuất dịch vụ đồ Nhôm đã giải quyết việc làm cho 6 lao động, với mức thu nhập trung bình hàng tháng từ 6 - 7 triệu đồng/người.

Với cách làm này, hiệu quả đã nhìn thấy rõ cũng như chiều hướng phát triển tốt của các mô hình đã khẳng định sự quan tâm của tổ chức Đoàn Thanh niên đối với những thanh niên yếu thế là hết sức cần thiết. Đây không chỉ là một trong những hoạt động thường xuyên thu hút tập hợp đoàn viên thanh niên đến với tổ chức Đoàn, Hội mà còn là một trong những chỉ tiêu được Nghị quyết Đại Đoàn toàn quốc lần thứ XI xác định trong nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Các đại biểu có mô hình được hỗ trợ tại Hội nghị

Cũng tại hội nghị, đã thống nhất trong thời gian tới tiếp tục khảo sát mô hình trong năm 2019 để Trung tâm sẽ tiếp tục cùng với các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Thanh Hóa kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động các mô hình trong năm 2019 để báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Trung tâm hỗ trợ và chuyển giao công nghệ thuộc Đại học Nông Lâm Bắc Giang nhằm hỗ trợ kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây tại các tỉnh: Lạng Sơn và Sơn La.

Đông Hà - Ngọc Tú