Thanh niên khuyến nghị sửa đổi Luật Thanh niên nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên 2018

Ngọc Tú
12:06' CH - Thứ sáu, 10/08/2018


Ngày 10/8, một nhóm thanh niên Việt Nam đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm sửa đổi Luật Thanh niên tại buổi đối thoại chính sách với đại diện Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan.
Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng Ngày Quốc tế Thanh niên 2018 (12/8), được tổ chức bởi Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Bộ Nội vụ, với sự phối hợp của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Quang cảnh buổi tọa đàm


Tại Tọa đàm về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), ông Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết, trong những năm qua, Bộ Nội vụ đã tích cực nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật này.
Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về thanh niên, trực tiếp là Nghị quyết số 25-NQ/CP về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dự luật cũng thể hiện đầy đủ các quy định của Hiến pháp 2013, bám vào quyền và nghĩa vụ của thanh niên, thay đổi cách tiếp cận từ quyền và nghĩa vụ của thanh niên sang quy định rõ trách nhiệm xã hội của thanh niên, trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội đối với thanh niên; nâng cao vị thế, vai trò của thanh niên và tổ chức thanh niên do Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt trong việc xây dựng, giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên. Dự án Luật phát huy những mặt tích cực của luật hiện hành, có điều chỉnh và sửa đổi để khắc phục những vướng mắc, bất cập, đồng thời bổ sung những vấn đề mới phát sinh, trong đó có điều khoản bắt buộc các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cụ thể hóa các quy định của luật này thành những chính sách cho thanh niên theo chức năng quản lý của mình để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Theo ông Micheal Croft, đồng Chủ tịch nhóm Hành động vì vị thành niên và thanh niên của Liên hợp quốc tại Việt Nam, thanh niên cần có không gian để thể hiện giá trị, phát triển khả năng của mình. Người trẻ tuổi biết rõ nhất cái gì cần cho chính họ và việc để họ tham gia trong quá trình xây dựng luật là biện pháp thực tiễn, đảm bảo những nhu cầu của họ được đáp ứng trong luật mới. Đây là vấn đề không chỉ làm tăng cường khả năng tiếp cận và tham gia của người trẻ, mà còn giúp Chính phủ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, đảm bảo đáp ứng được những nhu cầu của thanh niên.
Các cơ quan của Liên hợp quốc cho rằng việc xây dựng nhóm tư vấn thanh niên và trao đổi với Chính phủ là động thái quan trọng, là cơ chế lâu dài để Chính phủ có thể đảm bảo được sự tham gia của thanh niên trong quá trình phát triển, cũng như đánh giá các chương trình liên quan đến thanh niên của Việt Nam. Các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác để duy trì và đảm bảo các cơ hội, quyền cho thanh niên.
Góp ý về sự tham gia của thanh niên trong đóng góp chính sách, dẫn con số khảo sát đối với 200 thanh niên, Vũ Văn An, sinh viên trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, có đến 48,6% từ chối phát biểu về chính trị. Theo sinh viên này, sự tham gia của thanh niên là quan trọng, góp phần lớn trong tiến trình xây dựng chính sách.
Trong khuôn khổ của luật, có thể bổ sung thêm vào Điều 5 quy định thanh niên có quyền thảo luận, tham gia, nêu ý kiến về các vấn đề chính trị, chính sách, đời sống văn hóa, xã hội; bổ sung vào Điều 28 quy định Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo không gian an toàn và cởi mở cho thanh niên thảo luận về chính sách, pháp luật và các vấn đề khác. Đoàn đại biểu Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc cần đảm bảo thanh niên ở mọi tầng lớp tham gia tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND. Các bộ, ngành có trách nhiệm tiếp thu và trao đổi ý kiến với thanh niên về các vấn đề chính sách, quản lý nhà nước và xã hội.
Kiến nghị về Điều 7, Vũ Văn An đề nghị cần quy định đối thoại với thanh niên được tổ chức định kỳ hàng năm ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đối thoại với thanh niên phải đảm bảo thực chất, có ý nghĩa và có sự tham gia bình đẳng của mọi tầng lớp thanh niên khác nhau.
Ở khía cạnh khác, Lê Anh, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đề cập đến tỷ lệ thanh niên trong Quốc hội còn thấp. Đại biểu Quốc hội dưới 30 tuổi chỉ chiếm 1,6%. Bạn trẻ này cho rằng có một số vướng mắc về pháp luật bầu cử, cử tri có thể đánh giá kinh nghiệm dựa trên độ tuổi khiến ứng cử viên là thanh niên có thể không qua được vòng hiệp thương hoặc vòng bầu cử; cần quy định nhà trường có trách nhiệm đảm bảo giáo dục tham chính cho thanh niên và đảm bảo quyền tham gia chính trị và đời sống công của thanh niên. Nhà nước có trách miệm đảm bảo tỷ lệ đại biểu dân cử là thanh niên, nâng cao năng lực cho thanh niên là ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND.
Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, bà Lê Nam Hương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có quy định cấp ủy, chính quyền địa phương phải đối thoại với thanh niên vào dịp tháng 3, vấn đề là thanh niên nắm bắt cơ hội này thế nào và làm sao để đối thoại hiệu quả. Cũng theo bà Lê Nam Hương, người tham gia vào cơ quan dân cử từ trung ương đến địa phương phải có trình độ kiến thức và độ am hiểu nhất định mới có thể tham gia vào các vấn đề quan trọng của đất nước. Hiến pháp 2013 cũng quy định, công dân từ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, tức là phải có “độ chín” nhất định.
Hiện nay, có thực tế là tỷ lệ thanh niên trong Quốc hội chưa đạt tỷ lệ Quốc hội đề ra, mặc dù việc bầu cử được thực hiện công khai, dân chủ. Để nâng tỷ lệ này, cần tăng cường bồi dưỡng thêm để thanh niên tham gia vào quá trình xây dựng chính sách hiệu quả, có không gian để thanh niên được tranh luận, thể hiện quan điểm của mình, tăng sự tự tin, khả năng hùng biện…
Theo Tiến sỹ Trần Văn Miều, sự tham gia của thanh niên vào các vấn đề chính trị, chính sách, đời sống văn hóa, xã hội là đúng đắn, phát huy được vai trò của thanh niên. Việc vận động chính sách của thanh niên (vận động trước để cơ quan nhà nước đưa ra những chính sách có lợi cho thanh niên) chưa chuyển biến được là bao. Quyết định 217 - QĐ/TW của Bộ Chính trị đã giao thanh niên được kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy việc kiểm tra, giám sát của thanh niên rất thụ động vì chưa có cơ chế và chưa đủ năng lực, chưa có thói quen do tâm lý tham gia thụ động. Theo ông Miều, đối thoại chỉ là một hình thức, tham vấn thanh niên mới là việc cần làm. Cơ quan nhà nước cần tích cực phản hồi khi thanh niên đưa ra ý kiến./.

Ngọc Tú tổng hợp.