Chiều 21/3, tại Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương đã diễn ra chương trình gặp mặt trao đổi thông tin giữa các Trung tâm, Nhà văn hóa thanh thiếu niên, Cung thiếu nhi các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Cà Mau, Kiên Giang, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Trung tâm Thanh Thiếu niên Trung ương.
Các đại biểu tại cuộc gặp mặt
Tại cuộc gặp mặt, các Trung tâm, nhà văn hóa, Cung thiếu nhi cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tìm tòi, phát huy những thế mạnh sẵn có, tổ chức thành công các chương trình trải nghiệm thực tế cho thanh thiếu nhi các tỉnh, thành phố, đặc biệt là phổ cập bơi lội, trang bị kỹ năng chống đuối nước. Đây là hoạt động hoàn toàn mới, đối với các em thiếu nhi và cũng hoàn toàn mới đối với chính các cán bộ của Trung tâm, Nhà văn hóa thanh thiếu niên, Cung thiếu nhi cho thấy sự chủ động trong tìm kiếm, mang các hoạt động đến với thanh thiếu nhi nhiều hơn để thu hút các em tham gia.
Việc duy trì này đảm bảo sân chơi thường xuyên ở thời gian ngoài giờ học nhằm tạo thói quen cho thanh thiếu nhi và cộng đồng biết đến các Trung tâm, Nhà văn hóa thanh thiếu niên, Cung thiếu nhi nhiều hơn. Các hoạt động không còn theo lối cũ là tổ chức theo thời gian như nghỉ hè, nghỉ lễ mà chú trọng đến tổ chức thường xuyên để tạo sân chơi cho các em thiếu nhi, giúp cân bằng, hài hòa giữa việc học, việc chơi, góp phần giáo dục toàn diện cho thanh thiếu nhi ở mọi thời điểm.
Một trong những điểm mới trong tổ chức các hoạt động, chương trình chính là hướng đến tính hiệu quả, thiết thực, đồng thời có sự sáng tạo, đổi mới, mang xu hướng thời đại, giao thoa văn hóa trong quá trình hội nhập. Với đó là đẩy mạnh các chương trình trải nghiệm thực tế theo hướng phát huy các kỹ năng nghiệp vụ Đoàn, Hội, Đội nhiều hơn và xem đây là lợi thế, “thương hiệu” của đội ngũ cán bộ Trung tâm, Nhà văn hóa thanh thiếu niên, Cung thiếu nhi.
Tổ chức các hoạt động đặc thù cho thanh thiếu nhi không phải dễ, để khắc phục được tình trạng các chương trình diễn ra chưa thực chất, chưa đạt hiệu quả về chiều sâu như kỳ vọng và nhất là tình trạng “lệch đối tượng”, cần xác định nhiều giải pháp cụ thể. Trước tiên là phải tạo được sự đoàn kết, gắn bó, đả thông được tư tưởng của cán bộ, nhân viên, người lao động trong cơ quan khi thay đổi cơ chế hoạt động, sắp xếp cán bộ, tạo được cơ chế phù hợp để bứt phá, kích thích tính tự chủ sáng tạo, quyết tâm đồng lòng của mọi người. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên và người lao động vững về chuyên môn, sáng tạo năng động về cách làm.
Cùng với lực lượng chủ chốt là cán bộ, nhân viên các Trung tâm, Nhà văn hóa thanh thiếu niên, Cung thiếu nhi cần hướng đến xây dựng, tạo điều kiện tham gia sinh hoạt cho đội ngũ cộng tác viên, giúp đoàn viên thanh niên có điều kiện phát huy năng lực, sở trường của mình, cùng hỗ trợ thực hiện thành công các hoạt động. Bên cạnh đó là tăng cường quảng bá, thông tin về các hoạt động, tự giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tận dụng các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo để chủ động tìm đến các đối tượng thanh thiếu nhi.
Với những nội dung cụ thể, cán bộ, nhân viên Trung tâm, Nhà văn hóa thanh thiếu niên, Cung thiếu nhi xác định “tăng tốc” trên tất cả các nhiệm vụ được phân công và “bứt phá” trong đổi mới hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi. Để đạt các bước phát triển mang tính bền vững trong tương lai, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên và người lao động các Trung tâm, Nhà văn hóa thanh thiếu niên, Cung thiếu nhi ngày càng bản lĩnh, năng động, sáng tạo, giàu lòng nhiệt tình và trách nhiệm.
Ngọc Tú.